Kinh tế - văn hóa - xã hội Pháp_thuộc

Kinh tế

Theo sắc lệnh ngày 17-10-1887, thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, thời điểm đó mới bao gồm có Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì và Campuchia, trực thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa. Ngày 19- 4-1899, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh sáp nhập thêm Lào vào Liên bang Đông Dương. Việt Nam bị chia cắt làm 3 kì: Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì với ba chế độ cai trị khác nhau. Bắc Kì và Trung Kì là hai xứ bảo hộ vẫn còn giữ lại chính quyền phong kiến về hình thức; Nam Kì là đất thuộc địa hoàn toàn do Pháp nắm cùng với Lào và Campuchia cũng là đất bảo hộ của Pháp, hợp thành Liên bang Đông Dương. Việt Nam, Lào, Campuchia bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Rue Paul Bert, tức phố Tràng Tiền, nhìn về phía Nhà hát Lớn, Hà Nội, thời Pháp thuộc.

Vào giai đoạn đầu, thực dân Pháp chỉ mới chú trọng vào hai lĩnh vực chủ yếu là nông nghiệp và khai mỏ.

  • Nông nghiệp: Năm 1897, Pháp ép triều Nguyễn ký điều ước “nhượng” quyền “khai khẩn đất hoang” cho họ. Ngay sau đó, Pháp tăng cường cướp đoạt đất đai, lập các khu đồn điền lớn để trồng cao su, thứ cây công nghiệp mà Pháp coi trọng khi đó.
  • Công nghiệp: chú trọng khai thác mỏ than và kim loại. Tuy nhiên Pháp không xây nhà máy luyện kim tại Việt Nam, tất cả khoáng sản được chở về Pháp. Phần lớn các xí nghiệp khai mỏ nằm trong tay những tập đoàn tư bản Pháp. Phương thức hoạt động là tận dụng nhân công lao động rẻ mạt, sao cho chi phí sản xuất giảm xuống mức thấp nhất để thu lợi nhuận cao.
  • Giao thông vận tải: xây dựng hệ thống đường giao thông hiện đại, vừa phục vụ làm ăn lâu dài, vừa nhằm mục đích quân sự.
  • Thương nghiệp: Việt Nam trở thành thị trường độc quyền của tư bản Pháp, Pháp độc quyền thu thuế xuất nhập khẩu. Tất cả hàng hóa Việt Nam mà Pháp cần đều phải ưu tiên xuất sang Pháp, không được xuất khẩu sang nước khác, những hàng hóa mà Pháp thừa ế hoặc kém phẩm chất so với hàng hóa của các nước khác thì Pháp xuất sang Việt Nam.

Nông nghiệp

Dưới thời Pháp thuộc, địa chủ phong kiến tiếp tục được duy trì. Ngoài ra còn có thêm việc chiếm hữu diện tích lớn đất đai của thực dân Pháp và giáo hội Thiên Chúa giáo. Ở Bắc Kì, tính đến năm 1902, người Pháp đã chiếm hữu 182.000 héc ta đất trong đó có 50.000 héc ta ở các vùng trù phú nhất.[11] Sau khi chiếm đất, thực dân Pháp chủ yếu vẫn áp dụng phương pháp phát canh thu tô. Một số tư bản thực dân có kinh doanh trong những sở đồn điền mới theo lối tư bản chủ nghĩa, nhưng số này ít, chủ yếu là nhằm tận dụng nhân công rẻ mạt. Ngoài địa chủ Pháp, giáo hội Thiên Chúa chỉ riêng ở Nam Kỳ đã sở hữu 1/4 diện tích đất canh tác.[11]

Đầu năm 1945, nông dân chiếm 95% dân số Việt Nam nhưng làm chủ không quá 30% diện tích ruộng đất. Riêng tầng lớp nông dân nghèo (không có hoặc chỉ có rất ít ruộng đất) chiếm 60% dân số nông thôn, nhưng chỉ có khoảng 10% ruộng đất. Còn giai cấp địa chủ phong kiến Việt Nam, địa chủ thực dân Pháp, địa chủ Công giáo chiếm không tới 5% dân số nhưng chiếm hữu 70% ruộng đất.[12]

Theo thống kê phân bố ruộng đất ở miền Bắc trước năm 1945, chỉ có 4% dân số đã chiếm hữu tới 24,5% tổng số ruộng đất.[11] Còn lại phần lớn nông dân nghèo thì không có hoặc chỉ có rất ít đất canh tác. Ngay từ cuối những năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã mô tả nông dân Việt Nam như sau: “Ruộng bị Tây chiếm hết, không đủ mà cày. Gạo bị nó chở hết, không đủ mà ăn. Làm nhiều, được ít, thuế nặng... Đến nỗi chết đói, hoặc bán vợ đợ con, hoặc đem thân làm nô lệ như những người nó chở đi Tân thế giới...” [13]. Miền Bắc Việt Nam thường rơi vào tình trạng đói kém khi mất mùa hoặc gặp thiên tai, lũ lụt. Trong nạn đói năm Ất Dậu làm 2 triệu người chết, tỷ lệ chết đói cao nhất là những nông dân không có đất canh tác.

Pháp giành độc quyền buôn bán 3 mặt hàng quan trọng nhất là gạo, muốirượu. Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no".

Công nghiệp

Thương nghiệp

Dịch vụ

Cơ sở hạ tầng

Các loại thuế

Chính quyền thực dân Pháp thu lợi tức thuộc địa thông qua hệ thống các sắc thuế, nhiều loại thuế được đặt ra một cách vô lý. Các loại thuế được thu và phân chia theo hai loại ngân sách: thu cho Ngân sách Đông dương (chủ yếu là thuế quan, thuế rượu, thuốc phiện, muối...) và thu cho Ngân sách địa phương gồm các xứ (Bắc kì, Trung kì, Nam kì) và các tỉnh (chủ yếu là thuế thân, thuế ruộng đất, thuế lao dịch...)[14]:

  • Thuế chủ yếu thu cho ngân sách Đông Dương:
    • Thuế quan (còn gọi là thuế đoan, thuế thương chính): thi hành cho đến năm 1940, theo đó Việt Nam phải dùng chung một chế độ thuế quan do nước Pháp đặt ra. Pháp bảo hộ sản phẩm nào thì Việt Nam cũng phải bảo hộ sản phẩm đó. Nhờ hàng rào thuế quan bảo hộ, Pháp tự do đưa hàng với chất lượng thấp, giá đắt vào thị trường Việt Nam. Trong cuốn sách "Vấn đề dân cày", Trường ChinhVõ Nguyên Giáp đã viết: "họ vớ được một số lời cao hơn với số lời của họ thường có trên thị trường thế giới". Số lời cao đó, trong kinh tế chính trị học gọi là "thặng dư lợi nhuận thuộc địa".
    • Thuế gián thu (Công quản): Thường bảo đảm khoảng 70% tổng số thu của ngân sách Đông dương, chủ yếu là thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện, thông qua chế độ độc quyền mua bán của Pháp:
      • Thuế muối: Pháp quy định toàn bộ số muối mà dân sản xuất phải bán hết cho nhà nước Pháp với giá rẻ, rồi Nhà nước bán lại cho dân (kể cả người trực tiếp sản xuất muối) với giá cao hơn, để hưởng lợi nhuận. Không chỉ phục vụ mục tiêu tận thu của chính quyền Pháp mà còn mang ý nghĩa chính trị: Pháp có thể dùng muối làm áp lực với nhân dân khi cần, vì muối là mặt hàng thiết yếu của người dân.
      • Thuế rượu: Pháp cấm mọi việc nấu rượu của tư nhân Việt nam (kể cả việc tự nấu rượu để uống), đồng thời giao chỉ tiêu bán "rượu ty" cho chính quyền tổng, xã để thu lợi nhuận.
      • Thuế thuốc phiện: Pháp mua và chế biến thuốc phiện, khuyến khích dân Việt tiêu thụ, mở tiệm hút thuốc phiện để tạo được nguồn thu lớn cho chính quyền Pháp.
  • Thuế chủ yếu thu cho ngân sách các xứ (kì):chủ yếu gồm các thứ thuế cũ dưới thời phong kiến như thuế thân, thuế ruộng đất, thuế lao dịch và được sửa đổi theo hướng tăng mức thu ngày càng cao hơn:
    • Thuế thân (thuế đinh): Mọi dân đinh từ 18 đến 60 tuổi đều phải đóng thuế này. Trước kia, thuế thân chỉ thu của người có ít nhiều tài sản, có khả năng đóng thuế, được chia ruộng đất công, nhưng nay thì Pháp thu toàn bộ. Thuế thân đã tạo thêm cho Pháp số thu rất lớn, nhưng đối với dân nghèo, mỗi khi đến vụ thuế (tháng 5 âm lịch) thì người nghèo lại xôn xao, nhiều người bị bắt hoặc phải bỏ quê hương để trốn thuế. Cảnh tượng đau lòng của việc đóng thuế thân đã được nhà văn đương thời Ngô Tất Tố mô tả chi tiết trong tác phẩm Tắt đèn.
    • Thuế ruộng đất (thuế điền thổ): Từ năm 1897, Toàn quyền Đông Dương đã nhiều lần cho điều chỉnh lại theo 4 hạng điền, 6 hạng thổ (đất). Mức thuế chủ yếu là tăng lên, kèm với những khoản phụ thu, nhưng diện tích làm căn cứ tính mẫu, sào lại điều chỉnh giảm xuống. Ví dụ: Theo quy định từ thời Tự Đức (1847-1883), mỗi mẫu Việt nam là 4.970 m2. Năm 1897, ở Bắc kỳ, Pháp quy định mỗi mẫu chỉ có 3.600 m2. Vì vậy thuế phải nộp thực tế tăng lên, có khi đến 2-3 lần.
    • Thuế lao dịch: Về nguyên tắc, thuế lao dịch đã chuyển thành tiền (gắn với thuế thân hoặc nộp ngân sách tỉnh, xã) để sử dụng vào việc xây dựng, tu bổ đường sá, đê điều... Nhưng trên thực tế, khi cần làm đường hoặc đắp đê, Chính phủ vẫn huy động nhân lực đi làm, kể cả trong những ngày mùa cày cấy, thu hoạch nông nghiệp.

Buôn bán rượu và thuốc phiện

Hút thuốc phiện tại Việt Nam thời Pháp thuộc.

Thuốc phiện là mặt hàng được Pháp công khai buôn bán, khuyến khích người Việt sử dụng chứ không bị cấm như ở chính quốc. Lợi nhuận từ thuốc phiện đã đóng góp tới 25% vào ngân sách của Pháp ở Đông Dương. Tổng ngân sách năm 1905 là 32 triệu đồng Đông Dương, trong số này nguồn thu từ độc quyền bán thuốc phiện là 8,1 triệu. Tính đến năm 1900 thì lợi nhuận Pháp thu được từ thuốc phiện đạt hơn phân nửa số tiền thu nhập của toàn Liên bang Đông Dương.[15] Riêng việc phân phối bán lẻ là để cho tư nhân, đa số là người Hoa.[16] Thuốc phiện đã trở thành một công cụ hữu hiệu vừa để thu lợi nhuận, vừa để làm suy sụp ý chí phản kháng của người Việt. Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut từng có thư gửi viên Công sứ dưới quyền:

Tôi trân trọng yêu cầu ông vui lòng giúp đỡ những cố gắng của Nha Thương chính trong việc đặt thêm đại lý bán lẻ thuốc phiện và rượu, theo chỉ thị của ông Tổng giám đốc Nha Thương chính Đông Dương.Để tiến hành việc đó, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã kê tên; phần lớn các xã này, tới nay, vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện. Qua các Tỉnh trưởng và các Xã trưởng Cao Miên, ông có thể dùng ảnh hưởng to tát của ông để làm cho một số tiểu thương người bản xứ thấy rằng buôn thêm rượu và thuốc phiện là rất có lợi.Chúng ta chỉ có thể đạt kết quả mỹ mãn, nếu chúng ta hợp đồng với nhau chặt chẽ và liên tục, vì lợi ích tối cao của ngân khố."Xưởng thuốc phiện (Manufacture d'Opium) ở Sài Gòn thời thuộc Pháp. Khu xưởng này cung ứng từ 1/3 đến 1/2 ngân sách toàn Đông Dương.

Thập niên 1930, cứ một nghìn làng thì có đến 1.500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số một nghìn làng đó lại chỉ có 10 trường học. Nạn nghiện thuốc phiện trở thành một vấn nạn nghiêm trọng trong xã hội Việt Nam[17].

Về việc buôn rượu, vì bắt buộc phải trả những khoản chi tiêu thường xuyên, những món kinh phí ngày càng tăng của Phủ toàn quyền, của những công trình kiến thiết quân sự và những khoản lương cho một đám đông công chức từ Paris, cho nên Chính phủ thuộc địa đã tìm mọi cách thúc đẩy việc tăng mức tiêu thụ rượu lên. Vì vậy, Pháp đề ra quy định các làng phải mua số rượu tối thiểu tính theo dân số. Pháp ấn định trên thực tế mức rượu mà mỗi người bản xứ buộc phải uống hàng năm, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em, cả đến trẻ em còn bú mẹ. Dân một làng Bắc Kì buộc phải mua quá nhiều rượu, thấy trước nguy cơ đe doạ ấy, đã kêu với viên quan người Pháp tại địa phương rằng: "Ngay đến cái ăn, chúng tôi cũng không có gì cả". Quan Pháp đáp: "Chúng mày quen ngày ba bữa, bây giờ bớt đi một bữa, hay nếu cần thì bớt đi một bữa rưỡi là có thể mua rượu của nhà nước".

Người An Nam quen dùng rượu từ 20 đến 22 độ; trong khi người Pháp bắt họ dùng rượu từ 40 đến 45 độ. Thứ rượu mà Pháp độc quyền buôn bán và buộc dân Việt Nam phải uống được cất bằng thứ gạo rẻ tiền, pha thêm chất hóa học (để giảm chi phí sản xuất), nên có mùi vị nồng nặc khó chịu và gây hại rất lớn cho sức khỏe[17].

Giáo dục

Ngay sau khi chiếm được Nam Kì, Pháp cố gắng thiết lập một hệ thống giáo dục theo mô hình Pháp gồm hai bậc, tiểu học và trung học với tổng thời gian học là 6 năm. Tiểu học tập đọc và viết chữ Quốc ngữ, chữ Nho, tiếng Pháp; tiếng Pháp căn bản; toán sơ đẳng; hình học sơ đẳng; khái niệm đo đạc; tổng quan về lịch sử và địa lý. Đến bậc trung học, học sinh sẽ học kỹ hơn về tiếng Pháp, văn học Pháp; làm luận bằng tiếng Pháp, quốc ngữ và chữ Nho và nhiều nội dung nâng cao hơn về toán, vũ trụ, vật lý, hội họa... Năm 1879, nghị định cải tổ giáo dục Nam Kì được ban hành, chia chương trình học làm ba cấp với tổng thời gian học là 10 năm. Cấp một học trong ba năm, dạy Pháp văn, Quốc ngữ và Hán văn. Cấp hai có thời lượng ba năm, mỗi tuần sẽ dành hai giờ cho chữ Nho và Quốc ngữ, còn lại dành cho tiếng Pháp. Cấp ba sẽ học trong bốn năm với nhiều nội dung, dạy bằng tiếng Pháp như số học, hình học phẳng, đại số, lượng giác, trắc lượng, vẽ, địa lý, vũ trụ, hóa học, vật lý, vạn vật học... Những năm đầu, soái phủ Nam Kì gặp rất nhiều khó khăn khi hệ thống trường Nho học giải tán. Các thầy đồ di cư ra Trung Kì thuộc triều đình Huế để tiếp tục dạy học. Nhiều học trò tham gia các lực lượng nghĩa quân.[18]

Sau khi chiếm được Bắc Kì và Trung Kì, năm 1906 Pháp thực hiện cải cách giáo dục. Pháp thiết lập hệ thống tiểu học do chính quyền đài thọ với tên gọi là đệ nhị cấp (tiểu học) và đệ tam cấp (trung học). Chương trình học được thêm vào nội dung mới nhất của khoa học phương Tây, tri thức thực hành thông dụng.[18] Chính quyền thực dân ở Việt Nam cho mở hai hệ thống trường học: trường Hán học có cải tổ đôi chút và hệ thống trường Pháp - Việt. Hai hệ thống trường Hán học và trường Pháp Việt cùng tồn tại song song được triều đình nhà Nguyễn chấp thuận[19]. Trường Hán học chỉ duy trì tạm thời, đã được thay thế bằng trường Pháp - Việt trên cả nước kể từ thập niên 1910. Hệ thống giáo dục Nho học cũ trở nên không hợp thời. Nhà Nguyễn ban đầu cải cách kỳ thi Hương bằng cách đưa chữ Quốc ngữ vào nội dung thi sau đó bãi bỏ luôn các kỳ thi thuộc hệ thống Khoa bảng Việt Nam vào năm 1919. Năm 1917 Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký nghị định ban hành tổng quy chế nền học chính toàn cõi Đông Dương với mục tiêu thống nhất nền giáo dục bản xứ, tiến tới xóa bỏ nền giáo dục cũ. Nền học chính lúc này được chia làm ba cấp, cấp một là các trường tiểu học, cấp hai là cao đẳng tiểu học, cấp ba là bậc trung học (tú tài), với hai hệ thống giáo dục gồm trường Pháp và trường bản xứ. Trường Pháp sử dụng chương trình giáo khoa Pháp ở Đông Dương gần giống như bên Pháp và hoàn toàn dạy tiếng Pháp, không dạy tiếng Việt. Tại trường bản xứ, ở bậc Tiểu học sách giáo khoa do Nha Học chính Đông Pháp biên soạn và xuất bản. Từ bậc Cao đẳng Tiểu học trở lên thì dùng sách giáo khoa xuất bản ở Pháp. Sách giáo khoa một số môn như Lịch sử Việt Nam, Địa lý Đông Dương, Văn học Việt Nam do các giáo chức người Pháp hay người Việt biên soạn và xuất bản. Với đợt cải cách giáo dục lần hai, chữ Quốc ngữ đã hoàn toàn thay thế chữ Hán. Chương trình học bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với tính hệ thống cao. Bên cạnh các trường phổ thông, Pháp còn lập ra trường dạy nghề để đào tạo ra công nhân cho các ngành công nghiệp thuộc địa.[18] Tuy vậy, trên toàn Việt Nam, tính đến năm 1906 mới chỉ có 25 trường học tiểu học Pháp - Việt và tính đến hết năm 1913 mới chỉ có 10 vạn học sinh các cấp (trong tổng số 20 triệu dân lúc bấy giờ). Sự phát triển giáo dục cũng không đều khắp: Tất cả các vùng miền núi đều không có trường học, riêng tỉnh Sơn La mãi đến 1917 mới có 1 trường sơ học. Tính đến năm 1940 trên toàn ba kỳ có 576.650 học sinh ghi danh đi học ở mọi cấp.[20] nhỏ|phải|300px|Giờ học âm nhạc thời Pháp thuộc.Đến năm 1945, toàn Đông Dương chỉ có Viện Đại học Đông Dương bao gồm 10 trường thành viên: Cao đẳng Y khoa, Cao đẳng Nông nghiệp, Cao đẳng Thú y, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Địa chính, Cao đẳng Luật khoa, Cao đẳng Khoa học, Cao đẳng Mỹ thuật...[21][22][23]. Viện đại học Đông Dương chỉ đào tạo bậc đại học. Nếu sinh viên muốn học sau đại học thì phải sang Pháp. Năm học 1944-1945, cả Viện này có 1.575 sinh viên[24] (so với tổng dân số Việt Nam khi đó là 23 triệu). Phần lớn học sinh và sinh viên đại học, cao đẳng đều là con em các gia đình giàu có hoặc có địa vị nhất định trong xã hội lúc bấy giờ. Các gia đình nông dân, nhân dân lao động nghèo rất ít có khả năng cho con em theo học.

Về giáo dục tiểu học, trung bình một tỉnh chỉ có khoảng từ 2 đến 4 trường Tiểu học, mỗi trường có từ trên 100 đến vài trăm học sinh. Các thành phố lớn mới có trường Cao đẳng Tiểu học như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn (Bắc Kì), Thanh Hóa, Nghệ An (Vinh), Huế, Quy Nhơn (Trung Kỳ), Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho (Nam Kỳ). Bậc Trung học (bậc Tú Tài) chỉ có ở Hà Nội (trường Bưởi, trường Albert Sarraut), Huế (trường Khải Định), Sài Gòn (trường Pétrus Ký, trường Chasseloup Laubat), mỗi trường có khoảng từ 100 đến 200 học sinh.[25]

Chính sách giáo dục của chính quyền Pháp nhằm dụng ý là để chuyển hướng tư duy của đại chúng, xóa bỏ những ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, truyền bá văn minh Pháp nhằm đồng hóa người Việt; đồng thời đào tạo ra một tầng lớp công chức và chuyên viên phục vụ cho nền cai trị và công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Mối đe dọa đáng sợ cho chính quyền thực dân Pháp là Nho giáo qua các sách vở Hán văn, bởi Nho giáo cổ vũ lòng yêu nước chống ngoại xâm và khuyến khích giới trí thức quan tâm đến các vấn đề chính trị[26]. Hơn nữa người Pháp rất khó chịu trước giới sĩ phu Nho học không ngừng đả kích chế độ thực dân, kích động sự bất mãn của dân chúng thậm chí lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Vì vậy người Pháp đã dồn nhiều nỗ lực vào việc cải biến nền giáo dục bản xứ: loại bỏ Nho học và cấm giảng dạy lịch sử Việt Nam, thay vào đó là các kiến thức khoa học phương Tây, văn chương và lịch sử Pháp. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính được dùng trong trường học còn tiếng Việt và tiếng Hán chỉ là ngoại ngữ. Một chứng cứ khác là sách giáo khoa thời Pháp thuộc không dùng danh từ "Việt Nam" mà chỉ nhắc đến "Đông Pháp" và các xứ lệ thuộc. Các kỳ thi khoa bảng Việt Nam cũng bị loại bỏ, thay vào đó là các kì thi bằng tiếng Việt và tiếng Pháp phỏng theo các kì thi của Pháp.

Giáo dục thời Pháp thuộc để lại nhiều mặt tiêu cực với Việt Nam. Năm 1905, Phan Bội Châu cho rằng nền giáo dục của Pháp "chỉ dạy viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp". Học giả Trần Trọng Kim cho rằng nền giáo dục Pháp đã biến một xã hội "nghe đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ biết qua loa". Cho đến năm 1930, tổng số học sinh, sinh viên tất cả các trường từ tiểu học đến đại học chỉ chiếm 1,8% dân số Việt Nam. Do số người được đi học thấp, kết quả là tới năm 1945, trên 95% dân số Việt Nam bị mù chữ. Một nền giáo dục như vậy khiến người Việt bị tách rời khỏi cội rễ văn hóa dân tộc trong khi không hiểu biết đến nơi đến chốn, không hấp thu được phần tinh túy của văn hóa phương Tây. Người Việt bị biến thành những kẻ vong bản và vong nô trên chính quê hương của mình.

Tuy nhiên, nền giáo dục của Pháp cũng tạo ra một tầng lớp trí thức mới nắm được khoa học, kỹ thuật phương Tây và một tầng lớp tinh hoa chính trị chịu ảnh hưởng của những hệ tư tưởng và tiếp thu những thủ thuật chính trị phương Tây tuy số lượng ít ỏi và chất lượng của tầng lớp này còn yếu. Tầng lớp trí thức bản xứ có rất ít cá nhân đạt tới trình độ tinh hoa, đội ngũ chuyên gia tuy có số lượng khá hơn nhưng gắn bó trực tiếp với sự điều tiết từ chính quốc chứ không phải gắn bó với xã hội và nền kinh tế tại chỗ và một lượng đông đảo những trí thức cấp thấp. Chất lượng của một tầng lớp trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc xét trên khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội đương thời còn kém hơn thời kỳ tiền thực dân[27]. Nguyễn An Ninh nhận xét "ngày nay tôi chưa thấy người An Nam nào tiếp thu đầy đủ ý nghĩa của văn hoá Pháp... Học Tây trong nước ta bây giờ chỉ học để làm nô lệ cho nhà nước. Tại Đông Dương này tuổi trẻ An Nam khó mà tìm cho ra cái cao thượng của Âu Tây lắm. Dẫu cho chúng ta có được thừa hưởng một truyền thống gia đình, hay nhờ vào những hoàn cảnh thuận lợi khác đi nữa, không mấy người trong chúng ta đủ sức vươn lên đến trình độ một học giả ở Châu Âu".[28] Sau tháng 8/1945, giới trí thức bị phân hóa thành các bộ phận khác nhau ủng hộ các xu hướng chính trị khác nhau tại Việt Nam. Việc thiếu chuyên gia, trí thức và lãnh đạo chính trị được đào tạo tốt là vấn đề nghiêm trọng để lại nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài đối với Việt Nam sau khi giành được độc lập.

Văn hóa

Một gánh hát ở Việt Nam.

Dưới thời Pháp thuộc, văn hóa truyền thống chịu ảnh hưởng của Nho giáo suy tàn dần và bị thay thế bởi văn hóa phương Tây. Các giá trị đạo đức được nuôi dưỡng bởi Nho giáo suy yếu trong khi người Việt không tiếp thu được các giá trị cốt lõi của nền văn hóa phương Tây. Sự du nhập văn hóa phương Tây chỉ là sự bắt chước hời hợt vẻ bên ngoài của người phương Tây chứ người Việt không hấp thu được phần tinh túy của văn hóa phương Tây. Ngô Đình Nhu nhận xét về tình trạng này "...công cuộc Tây phương hóa, mà chúng ta đã phải chịu nhận từ một thế kỷ nay, là một công cuộc Tây phương hóa bắt buộc, không mục đích, không được hướng dẫn. Dân chúng bị lôi cuốn vào một phong trào Tây phương hóa, mà không hiểu Tây phương hóa để làm gì, Tây phương hóa đến mức nào là đủ, và Tây phương hóa làm sao là đúng. Tình trạng đó đã dẫn dắt đến sự tan rã của xã hội chúng ta. Các giá trị tiêu chuẩn cũ đã mất hết hiệu lực đối với tập thể mà giá trị tiêu chuẩn mới thì không có".[29]

Đi cùng với chính sách hạn chế giáo dục, thực dân Pháp dung dưỡng nạn cờ bạc bằng cách cho phép mở các sòng bạc để thu thuế. Ngoài những sòng bạc công khai có tính chất thường xuyên, tổ chức quy mô ở Chợ Lớn, Lạng Sơn, Móng Cái, Hà Giang, Lào Cai còn có nhiều sòng bạc kín được tổ chức ở các dịp chợ phiên, ở những vòng đua ngựa ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn...

Nạn mại dâm cũng được thực dân Pháp hợp thức công khai và trở nên phổ biến ở các thành phố lớn. Vào những năm 1930, vấn đề mại dâm ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Các báo đã mô tả tình trạng "lúc nhúc xóm bình khang, đầy rẫy phường bán phấn" trong các đô thị Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Một biến tướng khác của mại dâm là "hát cô đầu" đã trở thành "một cái ung nhọt" của xã hội. Báo Công luận viết "Nếu đi qua các ngõ Sầm Công ở Hà Nội, phố Hạ Lý Hải Phòng, phố Bến Củi Nam Định... ta sẽ thấy một cảnh tượng đau lòng, một sự dâm ô đê tiện hơn hết trong sự mãi dâm, chắc không có nước nào mà mãi dâm lại đê tiện hơn mãi dâm ở nước ta: Họ ra tận đường phố lôi kéo khách hàng, họ nói những câu, hát những giọng khiêu dâm tục tằn..."[30] Nguyễn Doãn Vượng đã nhận xét "hầu hết những kẻ đi hát đều là thanh niên... do đó sự kém sút về sức khỏe, sự trụy lạc về tinh thần, những bệnh hoa liễu cũng từ đó mà về thăm gia đình và vợ con những thanh niên đó; lại còn bao nhiêu kẻ trong cơn mê muội đớn hèn lỗi đạo vì đi hát, ăn trộm, ăn cắp vì mê hát và khuynh gia bại sản vì những cô đầu hát"[31].

Pháp tuyên bố "bảo hộ An Nam" để giúp nước này "khai hóa văn minh". Nhưng thực tế, các đề nghị nâng cao dân trí, cải tổ toàn diện chính trị - xã hội, cải cách và phát triển giáo dục, cũng như hướng đến nền chính trị dân chủ của các trí thức đương thời đều bị Pháp thờ ơ. Tiêu biểu là Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh (1872 - 1926) phát động năm 1906 cho đến năm 1908 thì kết thúc sau khi bị thực dân Pháp đàn áp. Một số lãnh đạo phong trào bị kết án tử hình do có liên quan đến phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908), những người khác bị đày đi Côn Đảo trong số đó có Phan Châu Trinh.[32] Nguyễn An Ninh nhận xét về công cuộc khai hóa của Pháp ở Việt Nam: "Nền văn hóa Trung Hoa trên nước ta đang suy và thế hệ chúng ta đang chìm đắm trong vòng ngu dốt... chỉ trong một thời gian hết sức ngắn người ta đã đưa trình độ kiến thức vốn đã suy thoái tệ hại của một dân tộc tuột xuống tận cùng của sự dốt nát, tối tăm dày đặc... đã đưa một dân tộc vốn có tư tưởng dân chủ, vào cảnh nô lệ tối tăm trong một khoảng thời gian rất ngắn[28]".

Y tế

Năm 1902, Pháp thành lập trường Y khoa Hà Nội do bác sĩ Alexandre Yersin làm hiệu trưởng. Khóa đầu tiên có 29 sinh viên. Sau đó trường được đổi tên thành Y khoa Đông Dương. Chương trình học tại trường kéo dài 4 năm và học sinh ra trường được cấp bằng y sĩ. Năm 1908, xảy ra phong trào nông dân chống thuế ở các tỉnh Trung Kì khiến người Pháp giáng cấp Y khoa Đông Dương thành trường Y khoa Hà Nội. Nha Học Chính Đông Dương đã phải thừa nhận: "Dưới chính quyền mới, một giai đoạn ngừng trệ đã tác động lên toàn bộ nền giáo dục nói chung - bị chụp mũ một cách đáng tiếc là tác giả thực sự của phong trào cách mạng 1908. Cái trạng thái tinh thần đáng buồn đó, hiện vẫn chưa hoàn toàn mất đi, đã làm chậm sự phát triển của trường mất 10 năm".[33]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Pháp_thuộc http://www.asiapacificms.com/papers/pdf/gt_opium_t... http://cothommagazine.com/index.php?option=com_con... http://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=44 http://nguyentl.free.fr/html/photo_resistance_vn.h... http://www.phap.fr/dien-anh/2016/05/31/phim-tai-li... http://www.vjol.info/index.php/khxhvn/article/view... http://baotangnhanhoc.org/vi/bai-nghien-cu-lch-s/1... http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=112... http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=6945&r... http://tiasang.com.vn/-dien-dan/gioi-tri-thuc-tinh...